Nhìn lại những nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn (Bình Định)

Bài viết này được hoàn thành từ năm 2008 và đã được đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (2008). Do hạn chế của cá nhân trong việc tiếp xúc với các nguồn tư liệu và với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tại thời điểm đó, nên bài viết đã không đề cập tới một số công trình quan trọng của một số học giả khác (như của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân).
                                                            Do Truong Giang

Sự hình thành, phát triển của các thương cảng Xứ Đàng Trong (thế kỷ XVII-XVIII) đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thời gian gần đây. Trong đó, nhiều cuộc hội thảoũng như công trình nghiên cứu đã chủ yếu tập trung vào thương cảng Hội An  (Quảng Nam) cũng như thương cảng Thanh Hà (Huế). Thương cảng Nước Mặn (Bình Định) cũng đã từng là một thương cảng quan trọng của Xứ Đàng Trong, tuy nhiên, do sự hạn chế về mặt tư liệu mà các nhà nghiên cứu chưa thể nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện về vị thế và vai trò của thương cảng này. Trong bài viết này, tác giả muốn nhìn lại những công trình nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn, trên cơ sở đó đưa ra một số nhận xét và gợi mở một số vấn đề nhằm hướng tới những nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về thương cảng Nước Mặn trong tương lai.

  1. Những nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn:

1.1. Những ghi chép về thương cảng Nước Mặn của các nhà du hành, giáo sĩ phương Tây:

Nước Mặn được ghi trong Hồng Đức bản đồ là Nước Mặn hải môn, và được Alexandre de Rhodes vẽ trên bản đồ và phiên âm là Nehorman. Người phương Tây trong quá trình buôn bán và du hành ở nơi này thì gọi tên cảng theo tên của phủ Quy Nhơn là Quingnin hay Pulucambi (người Bồ Đào Nha), Quy Nong (người Anh), Sintcheou hoặc Chincheo (phiên âm theo tiếng Trung Quốc từ chữ Tân Châu). Trong các hồ sơ của VOC tên của cảng này là Quinam (1).

Cristophoro Borri vào đầu thế kỷ XVII đã đến và lưu lại tại Quy Nhơn trong một thời gian, và điều này đã được ông ghi chép trong Xứ Đàng Trong năm 1621 (2). Theo ghi chép của Borri thì Nước Mặn “là một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm  rưỡi”. Năm 1793, một đoàn sứ bộ người Anh đến Quy Nhơn đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý là “…ở phía bắc mũi Nạy (Varella) là Quin Nong (Quy Nhơn), nơi ghe tàu trong vùng thường qua lại… Vùng biển này rất tốt. Nó là chỗ chắn tất cả các loại gió. Cũng có một con lạch đi qua rất hẹp nên những con tàu muốn đi vào đầm phải chờ thủy triều lên.” (3).

P.Poivre trong tập hồi ký của mình có viết “tại tỉnh Quy Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo, nhưng lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đi đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường (4). Còn Manguin thì cho biết “ở bờ biển Việt Nam, Quy Nhơn là vịnh được cấu tạo cho việc trú ẩn của tàu thuyền tốt nhất. ở đó được thiết lập cảng của kinh đô ViJaya-Thi Nại chính trong sách sử ký viết “là thương cảng thứ nhất của Champa”. ở đó còn có Tân Châu (Sin Tcheou) – cảng của những nhà du hành Trung Quốc vào thế kỷ XV (5).

Như vậy là,  những thương nhân, nhà du hành, nhà truyền giáo phương Tây khi đến xứ Đàng Trong vào thế kỷ XVII-XVIII, đã ghi nhận về sự tồn tại và hoạt động của thương cảng Nước Mặn. Những ghi chép này dù tương đối ít ỏi, nhưng cũng cho chúng ta biết được một phần diện mạo, cũng như vị thế của thương cảng này trong mối quan hệ với Hội An và các thương cảng khác.

1.2. Những nghiên cứu về Thương cảng Nước Mặn.

Nhà nghiên cứu Đỗ Bang, là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên quan tâm nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn. Từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX, ông đã cho công bố những phát hiện, những nghiên cứu về thương cảng cổ này: Di tích thành Thi Nại của Chăm Pa (6), Sự thành lập đô thị Quy Nhơn qua một số văn bia mới phát hiện (7), Khảo sát cửa Kẻ Thử (8), Về cửa Kẻ Thử (9), Dấu tích của cảng thị Nước Mặn (10). Trên cơ sở những công trình khoa học đã công bố đó, sau này được tác giả tập hợp, và trở thành một chương trong Luận án Tiến sĩ, cũng như trong cuốn sách chuyên khảo “Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII” (11) của mình. Trong đó, tác giả đã đặt thương cảng Nước Mặn trong một hệ thống và mối quan hệ với các thương cảng khác của vùng Thuận Quảng (Hội An, Thanh Hà). Trong cuốn sách chuyên khảo của mình, tác giả cũng đã khảo sát về các nguồn hàng, các mối quan hệ giao lưu buôn bán, những dấu tích còn lại của thương cảng Nước Mặn, cũng như quá trình phát triển và suy tàn của thương cảng này.

Dựa trên những ghi chép của sử sách, kết hợp với những cứ liệu trên thực tế, TS Đỗ Bang đã đi tới kết luận “Xét về tầm vóc của thương cảng, Nước Mặn không thể hơn cảng Thi Nại thời vương quốc Champa (thế kỷ X-XV). Xét về ngoại thương, Nước Mặn cũng khó sánh được với Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến…nhưng về nội thương, Nước Mặn có vị trí quan trọng cho cả phủ Quy Nhơn và vùng Tây Nguyên hiện nay” (12).

Bên cạnh đó, cũng đã có những nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn được thực hiện dưới dạng khoá luận cử nhân như: Về các cảng khẩu bên đầm Thi Nại (13); Tìm hiểu thị tứ Nước Mặn (14).  Các nghiên cứu này dựa trên những khảo sát thực địa và các tư liệu sưu tầm được tại vùng ven đầm Thi Nại, đã phác dựng lại những cảng khẩu, và những thị tứ đã từng phồn vinh thời thương cảng Nước Mặn, cũng như kết cấu kinh tế xã hội, và những dấu tích văn hoá còn lưu lại tại vùng đất này.

Trong chuyên luận Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, GS Keith W.Taylor cũng đã đặc biệt quan tâm tới vị thế của Bình Định nói chung, cũng như vị thế đầu mối giao thương của thương cảng nơi đây đối với sự phát triển của xứ Đàng Trong.Đến những năm 1690, Bình Định đã trở thành trung tâm của một mạng lưới giao thông và liên lạc kết nối trung tâm Thuận Quảng của Đàng Trong với đồng bằng sông Mê Kông … Một tính chất quan trọng khác của Bình Định là vị trí của nó như một bến cuối của tuyến đường được đi lại nhiều dọc cao nguyên đến thung lũng Mê Kông, băng qua An Khê, Play Ku, và đến sông Mê Kông ở Stung Treng ở nơi mà hiện nay là phía Bắc Campuchia, nơi nó nối kết với mạng lưới giao thương tỏa ra từ Ayudhaya/Băngkok. Thương mại di chuyển dọc tuyến đường này, nối Bình Định với những mối quan tâm buôn bán của người Xiêm. Các dân tộc vùng cao và người Việt tham gia vào hoạt động thương mại này, nhưng các cộng đồng người Hoa ở Ayudhya/Bangkok và Quy Nhơn cung cấp vốn và các mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Quy Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một cảng biển lý tưởng, con đường phía tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng, và con đường phía nam tới đồng bằng sông Mê Kông (15).

Trong bài viết Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn)- Xứ Đàng Trong, Tiến sĩ khảo cổ học Lê Đình Phụng cũng đã phác dựng lại những điều kiện tự nhiên và xã hội dẫn tới sự hình thành và phát triển của thương cảng Nước Mặn. Tác giả cho rằng “Nằm trên địa bàn một phủ giàu có, gần các phủ Phú Yên, Bình Khang, Dinh Nha Trang, có nguồn hàng dồi dào từ cao nguyên đổ về, cảng Nước Mặn có vai trò quan trọng trong giao lưu thương mại”. Trong đó, TS. Lê Đình Phụng nhấn mạnh tới vai trò của người Hoa và thương nhân ngoại quốc đối với sự phát triển của thương cảng này “cũng giống như các thương cảng xứ Đàng Trong, cảng Nước Mặn hồi sinh chủ yếu với sự tham gia của các thương nhân người Hoa và thương nhân châu Âu qua lại buôn bán, thu mua hàng hóa, sản vật nhiệt đới (16).

TS.Trần Đức Anh Sơn trong chuyên khảo Các thương cảng vùng Trung Bộ Việt Nam và con đường gốm sứ vung Tây Nam Thái Bình Dương trong thời đại thương mại (thế kỷ XVI-XVII)  thì cho rằng “Nước Mặn là cửa khẩu thương mại quan trọng trong vùng Đông Nam á và chắc chắn thương cảng này cũng là một thương trạm quan trọng trên con đường gốm sứ ở vùng biển tây nam Thái Bình Dương trong thời đại Đại thương mại (17).

Do sự khan hiếm về các nguồn sử liệu liên quan tới sự hình thành, phát triển, cũng như vị thế của thương cảng Nước Mặn, nên việc thám sát và khai quật khảo cổ học tại khu vực ven đầm Thi Nại có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình nhận thức về thương cảng Nước Mặn. Năm 1994 đoàn Khảo cổ học Việt-Nhật đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu bước đầu tại khu vực Nước Mặn. “Đặc biệt, khi được tiếp xúc trực tiếp với những mảnh sứ Hizen tìm lọc từ trong “mớ hỗn độn” đồ sứ Trung Hoa do dân địa phương thu gom được, chúng tôi nhận thấy ở thương cảng Nước Mặn hình như có đủ các loại hình gốm Hizen mà tại địa điểm khảo cổ học ở Indonesia và Thái Lan đã tìm thấy. Trong đó cũng có những loại mà ở thương cảng Thanh Hà và Hội An chưa phát hiện được (18).

Đến năm 2005 Bảo tàng Bình Định đã tiến hành khảo sát, đào thám sát trên địa bàn Nước Mặn. Kết quả khảo sát cho biết trên các địa danh như gò Miếu, phố Hàng Xáo, trong quá trình canh tác người dân bắt gặp từng lớp mảnh bát, đĩa, chén, bình vò, hũ vỡ. Nhiều mảnh bát đĩa có màu men đẹp và nét vẽ tinh xảo với nhiều đề tài khác nhau. Trên địa danh phố hàng Xáo xưa dưới lớp đất sâu khoảng 0,2-0,3m còn thấy những đá tảng cắt góc vuông vức xếp thành dải vững chắc như bờ kè, dấu vết những dải tường gạch xây chắc chắn kéo dài, dấu vết còn lại của các công trình kiến trúc xưa. Một hố thám sát 6m2 tại khu vực này đã phát hiện được các đồ sứ Trung Quốc niên đại thế kỷ XVII-XVIII và gốm sứ Hizen Nhật Bản thế kỷ XVII-XVIII (19).

2.Một số ý kiến

Thương cảng Thi Nại đã từng là quốc cảng của vương quốc Champa trong một khoảng thời gian dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, là một địa điểm quan trọng trong tuyến hải thương của khu vực. Sau biến cố lịch sử năm 1471, Người Việt đã tiếp nhận truyền thống hải thương, và tầm nhìn hướng biển của các cư dân vương quốc Champa xưa. Do vậy đã diễn ra một quá trình chuyển hóa từ thương cảng Chăm thành thương cảng của người Việt trên khắp hệ thống thương cảng thuộc miền Trung miền Nam. Thương cảng Thi Nại thời vương quốc Champa đã trở thành thương cảng Nước Mặn thời các chúa Nguyễn Đàng Trong. Vị thế và vai trò của thương cảng Nước Mặn cũng đã có những thay đổi đáng kể so với thương cảng Thi Nại thời vương quốc Champa.

Những nghiên cứu bước đầu của các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho chúng ta những nhận thức chung về quá trình phát triển, vai trò và vị thế của thương cảng Nước Mặn trong sự phát triển chung của Xứ Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII. Cùng với Hội An, Thanh Hà, thì Nước Mặn đã trở thành một trong những thương cảng quan trọng nhất, góp phần vào sự hưng khởi của nền ngoại thương xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Việc đặt Nước Mặn trong mối liên hệ giữa biển với lục địa, và trong hệ thống các thương cảng ven biển sẽ làm nổi bật vai trò và vị thế của thương cảng này.

Trong thời kỳ phát triển phồn thịnh của mình, thương cảng Nước Mặn gắn liền với vai trò quan trọng của lực lượng thương nhân người Hoa và các thương nhân phương Tây. Cho đến ngày nay, dấu ấn văn hoá mà người Hoa còn lưu lại tại nơi đây là khá đậm nét, qua sự tồn tại của làng Minh Hương, chùa Ông, chùa Bà và các dấu tích văn hoá khác. Nghiên cứu về nguồn gốc, và quá trình cộng cư của cộng đồng Hoa Kiều tại đây cũng sẽ giúp chúng ta có được những nhận thức quan trọng về quá trình giao lưu văn hoá, mối quan hệ giao thương của Nước Mặn với khu vực.

Sự hạn chế về mặt tư liệu đã khiến cho các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc khảo sát về vị trí, quy mô và quá trình hoạt động của thương cảng này. Những cuộc thám sát khảo cổ học ban đầu đã bổ sung cho các nhà nghiên cứu những nhận thức mới mẻ. Tuy nhiên, để đạt tới những nhận thức sâu sắc và đúng đắn hơn về thương cảng Nước Mặn, cần thiết phải tiến hành những cuộc thám sát và khai quật khảo cổ học vùng ven đầm Thi Nại. Bên cạnh đó việc hợp tác nghiên cứu mang tính quốc tế giữa các nhà khoa học của Việt Nam với các nhà khoa học nước ngoài – giống như đã từng hợp tác nghiên cứu tại Hội An sẽ mang lại những nhận thức quan trọng.

(1)Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng, Nxb Thuận Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H., 1996, tr.153.

(2)C.Borri: Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb tp Hồ Chí Minh, 1998.

(3)Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng,  tr.148.

(4)Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng,  sđd, tr.154.

(5)Manguin: Les Portugals lesur côyes du Vietnam et du Campa, BEFEO, Paris, 1972.

(6)Đỗ Bang: Di tích thành Thi Nại của Chăm Pa, Những phát hiện mới về khảo cổ học (NPHMVKCH) 1986, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

(7)Đỗ Bang: Sự thành lập đô thị Quy Nhơn qua một số văn bia mới phát hiện, NPHMVKCH, 1986, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

(8)Đỗ Bang: Khảo sát cửa Kẻ Thử, NPHMVKCH 1988, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.

(9)Đỗ Bang-Đinh Văn Hạnh: Về cửa Kẻ Thử, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 và số 4, 1989

(10)Đỗ Bang: Dấu tích của cảng thị Nước Mặn, NPHMVKCH 1991, Viện khảo cổ học, Hà Nội

(11)Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII,

(12)Đỗ Bang: Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, sđd, tr.164.

(13)Đinh Văn Hạnh: Về các cảng khẩu bên đầm Thi Nại, Luận văn cử nhân, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Huế, 1986.

(14)Nguyễn Minh Hoàng: Tìm hiểu thị tứ Nước Mặn, Luận văn cử nhân, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1991

(15)Keith w.Taylor: Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay, số 270, 10-2006, tr.8.

(16)Lê Đình Phụng: Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn)- Xứ Đàng Trong, in trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu á thế kỷ XVI-XVII, Nxb Thế giới, H., 2007, tr.583-592

(17)Trần Đức Anh Sơn: Các thương cảng vùng Trung Bộ Việt Nam và con đường gốm sứ vung Tây Nam Thái Bình Dương trong thời đại thương mại (thế kỷ XVI-XVII), in trong: Việt Nam trong hệ thống thương mại châu á thế kỷ XVI-XVII, Nxb Thế giới, H., 2007, tr.559-575.

(18)Bùi Minh Trí-Phạm Quốc Quân: Gốm Hizen Nhật Bản tìm thấy ở một số địa điểm khảo cổ học Việt Nam, tạp chí Khảo cổ học, số 4-1994, tr.44.

(19)Đinh Bá Hòa: Đào thám sát thương cảng Nước Mặn, tư liệu tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định

6 thoughts on “Nhìn lại những nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn (Bình Định)

  1. Những cái tên gợi lên câu hỏi :”Thị Nại” “Nước Mặn” có thể lý giải theo nghĩa nào đó không ạ?

    Like

    1. Hi, câu hỏi rất hay. Các nhà nghiên cứu tiền bối cho rằng Thi Nại phát xuất từ một tên gọi cổ trong tiếng Cham/Sanskrit, tuy nhiên tính xác thực thì chưa thể khẳng định chắc chắn. Có một điều thực tế là, nếu đi dọc bờ biển miền Trung Việt Nam thì sẽ bắt gặp rất nhiều địa danh có cùng tên là Thi Nại, Nước Mặn, Nước ngọt chứ không chỉ riêng là ở Bình Định, bởi thế có thể nghĩ rằng THI NẠI là một thuật ngữ phổ biến để chỉ các vùng đầm phá cửa sông ven biển

      Like

      1. Hi… trò chưa thỏa mãn với câu trả lời lắm ạ! Chắc cần đọc nhiều hơn, đi nhiều hơn rồi ạ! 😀

        Like

  2. Tôi thường vào đọc trang này vì rất bổ ích cho công việc học tập, nghiên cứu của tôi. Theo tôi hiểu thì Thi Nại là phiên âm tiếng Hán của chữ Phạn विजया Vijaya, (vẫn còn đầm Thi Nại tại thành phố Quy Nhơn ngày nay). Nghĩa chung của विजया Vijaya là chiến thắng, chinh phục. Tuy nhiên hơi buồn cho người Chăm là cái tên ấy lại gợi về chiến thắng, chinh phục của Lê Thánh Tông năm 1471 tại Thi Nại mà không còn là chiến thắng của người Chăm nữa. Chữ (विज vij cũng được dịch sang chữ Hán 是 thị = là, đúng); nhưng trong các văn bản Hán cổ thì người ta dịch là 屍耐 Thi Nại (屍 là tử thi, thây người chết, còn 耐 là tài năng, bản lĩnh, chịu đựng, một hình phạt tượng trưng cắt râu và tóc mai (không bị cắt tóc), ). विजया Vijaya (Giống đực) là tên một cháu trai của thần Indra; विजया Vijaya (Giống cái) là con của Krishna; một tên khác của nữ thần Durga, một nữ thần chiến tranh, vợ Shiva, có ba mắt, 12 cánh mạnh mẽ kinh hoàng.

    Vài lời dông dài góp vui, sai xót xin được bỏ quá.

    Hà Hữu Nga

    Like

    1. Cảm ơn chú đã ghé thăm trang nhà và góp vui cùng mọi người. Đã được nghe danh của chú khá nhiều lần nhưng chưa có duyên được gặp gỡ, giá mà dịp này có cơ hội được gặp gỡ và học hỏi từ chú thì hay biết mấy

      Like

Leave a comment