KỶ NGUYÊN THƯƠNG MẠI SỚM Ở ĐÔNG NAM Á (900-1300 CE): NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP MANDALA CHAMPA – PART 3

Download toàn bộ bài viết TẠI ĐÂY

Champa trong thế giới hải đảo Đông Nam Á

Trong suốt kỷ nguyên thương mại sớm, Champa đã thiết lập và duy trì các mối liên hệ đặc biệt mật thiết và hữu nghị với các mandala khác của vùng Đông Nam Á hải đảo (bao gồm vùng quần đảo Philipinnes ở phía Tây, thế giới Malayu ở phía Nam và cả đảo Hải Nam ở phía Bắc). Dựa trên những mối liên hệ tộc người, ngôn ngữ và văn hóa, Champa đã sớm có mối quan hệ với Java và Srivijaya ở phía Nam. Các hoạt động của thương nhân Champa ở đảo Java đã được ghi chép trong các bia ký Java.[1] Bia Nhan Biều của Champa (niên đại 908-911) cũng cho chúng ta biết được thông tin về hai phái đoàn ngoại giao của Champa được gửi tới Java (dưới tên gọi Yavadvipa) dưới thời vua Jaya Simhavarman. Các tài liệu Trung Hoa cũng cho chúng ta biết vè mối quan hệ mật thiết giữa Champa và Sanfoqi (Srivijaya) ở vùng Nam Dương. Trong các mối quan hệ này, nhân tố thương mại dường như là nhân tố quyết định và quan trọng nhất đối với mandala Champa. Không giống như sự căng thẳng và xung đột thường xuyên với các nước láng giềng là Đại Việt và Chân Lạp, Champa đã cố gắng giữ một mối quan hệ thân thiết và bền vững với các quốc gia vùng hải đảo. Các chính thể vùng hải đảo này trên thực tế là những thị trường lớn cung cấp các loại hàng hóa quan trọng cho mandala Champa, như là ngựa, hồ tiêu và đặc biệt là vàng.

Một câu hỏi có thể được đặt ra từ mối liên hệ giữa Champa và thế giới hải đảo, sự khác biệt đối với các mối quan hệ không bền vững và thường xuyên căng thẳng với các quốc gia láng giềng trên bộ của Champa. Có thể nói rằng, đối mặt với những áp lực và sự cạnh tranh quyết liệt của người Việt ở phía bắc và người Khmer ở phía Nam, các cư dân Champa đã phải hướng tới các quốc gia khác trong khu vực, tìm kiếm các liên minh chính trị để chống lại áp lực từ Đại Việt và Angkor. Các nguồn sử liệu cho chúng ta biết về mối liên hệ chặt chẽ giữa Champa và các chính thể biển này. Chính sử Việt Nam cũng chép về mối liên hệ này, chẳng hạn sự kiện năm 1326, trước sự tấn công của Đại Việt, “Chế Năng chạy sang nước Trảo Oa xin cứu viện”.[2] Những mối quan hệ về mặt hôn nhân cũng đã được thiết lập giữa Champa với Java trong thời kỳ này.[3] Cũng cần lưu ý rằng, trong những thế kỷ tiếp sau, Champa được xem như là một trung tâm truyền bá hồi giáo tới Java và vùng Nam Dương. Bên cạnh đó, sau sự kiện 1471, Java và thế giới Malayu đã trở thành điểm dừng chân của những di dân Champa.

Cùng với việc mở rộng các mối quan hệ với các quốc gia vùng Nam Dương, Champa cũng đã có mối liên hệ mật thiết với các chính thể biển của vùng quần đảo Philippinese. Mối liên hệ giữa Champa và Butuan vào thế kỷ thứ XI đã thực sự là một mối quan hệ đặc biệt được chép trong Tống sử.[4] Butuan được xem như thị trường cung cấp vàng cho Champa, và đặc biệt là nằm dưới sự kiểm soát của Champa trong việc quan hệ với thị trường Trung Hoa. Sự hiện diện của các lò gốm cổ Gò Sành ở vùng Bình Định, cũng như là sự phân bố dày đặc của các hiện vật gốm Gò Sành trong các địa điểm khảo cổ học của Philippines gợi ý rằng nagara Vijaya đã từng nắm giữ vai trò chi phối trong mối liên hệ giữa mandala Champa với các đảo của Philippines.[5] Từ góc độ ngôn ngữ, Geoff Wade cũng đã từng chỉ ra mối liên hệ giữa ngôn ngữ của vùng quần đảo Philippines với ngôn ngữ Chăm, đặc biệt ông đưa ra giả thuyết về khả năng các ngôn ngữ đó có nguồn gốc từ ngôn ngữ Cham.[6]

Đảo Hải Nam cũng là một khu vực mà Champa đã có những mối liên hệ mật thiết trong một thời gian dài. Trong các cuộc chiến giữa Champa với người Khmer, Hải Nam đã trở thành một đồng minh và cung cấp những sự trợ giúp cho Champa. Các tư liệu lịch sử cũng cung cấp thông tin về việc một số người tị nạn của Champa đã đi thuyền tới và định cư tại đảo Hải Nam vào cuối thế kỷ thứ X.[7] Dựa trên các bằng chứng lịch sử và ngôn ngữ học, Benedict cũng đã nhấn mạnh tới sự hiện diện của một cộng đồng người Chăm/cư dân Champa ở vùng đảo Hải Nam.[8]

Như thế, với vị trí chiến lược của mình, mandala Champa đã hướng tới các thể chế biển ở những vùng biển lân cận để thiết lập các mối quan hệ đặc biệt, trước hết là để dự nhập sâu sắc vào mạng lưới thương mại biển của khu vực, tiếp đó là để kiếm tìm các đồng minh để chống lại những áp lực từ Đại Việt ở phía bắc và Angkor ở phía tây nam. Những mối liên hệ mật thiết giữa Champa với các chính thể ở các vùng biển Đông Nam Á như thế, có thể xem như một biểu hiện của “sự gia tăng các mối liên hệ trên biển giữa các cộng đồng cư dân” trong kỷ nguyên thương mại sớm như G.Wade đã đề cập tới.

                                                            MỘT VÀI NHẬN XÉT

Kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á với các nhân tố ngoại sinh thúc đẩy sự phát triển đã mang tới những động lực lớn lao cho toàn khu vực. Champa là một thể chế biển điển hình của khu vực Đông Nam Á, nằm trên tuyến hải thương chính kết nối Trung Hoa với Nam và Nam Á đã tận dụng các cơ hội để phát triển, đặc biệt là phát triển các mối quan hệ ngoại thương. Cũng giống như hầu hết các chính thể ven biển trong khu vực, sự thịnh vượng của mandala Champa có mối liên hệ mật thiết với những sự kiện diễn ra tại các thị trường/trung tâm kinh tế lớn, bao gồm Trung Hoa, Nam và Tây Á. Một khi các trung tâm kinh tế lớn này phát triển và thịnh vượng với nhu cầu lớn về hàng hóa và trao đổi, nền kinh tế của các chính thể ven biển Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để phát triển và thịnh vượng, qua đó củng cố vị thế chính trị của mình; tuy nhiên, khi mạng lưới giao thương quốc tế kết nối các trung tâm kinh tế lớn đi vào suy thoái hay các tuyến hải thương bị thay đổi, hầu hết các vương quốc biển bị suy yếu và thậm chí bị suy tàn bởi nền kinh tế của các chính thể này lệ thuộc sâu sắc vào sự phát triển của nền ngoại thương. Chính sự bùng nổ của hải thương khu vực trong kỷ nguyên thương mại sớm đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hàng loạt các sự kiện sôi động trong lịch sử mandala Champa cũng như là lịch sử quan hệ xuyên biên giới giữa các mandala của khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ này.

Mandala Champa đã chủ động tận dụng môi trường khu vực thuận lợi để phát triển thông qua việc dự nhập và các mạng lưới thương mại khu vực. Sự cạnh tranh cho vị trí thống trị giữa các tiểu quốc Champa, đặc biệt là sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai nagara Vijaya và Panduranga. Sự thịnh vượng của thương cảng Thi Nại và nagara Vijaya trong một thời gian dài được cho là do có sự cung cấp một cách ổn định và dồi dào các sản phẩm từ vùng cao nguyên rộng lớn ở phía tây, cũng như là một nền kinh tế nông nghiệp ổn định vùng châu thổ sông Côn. Hơn thế nữa, thương cảng Thi Nại đã được biết đến như là một entrepot lớn trong tuyến hải thương khu vực, và hệ quả là, nagara Vijaya đã dễ dàng hơn trong việc dự nhập vào mạng lưới này. Bên cạnh vai trò dẫn dắt của nagara Vijaya, các tiểu quốc nhỏ khác trong lãnh thổ của mandala Champa cũng đã dày công kiến lập những mạng lưới chính trị và kinh tế của riêng mình. Những tiểu quốc này sẽ nổi lên và cạnh tranh với các tiểu quốc láng giềng khi họ có những cơ hội thuận lợi, đặc biệt là khi có sự trợ giúp từ bên ngoài (Đại Việt, Chân Lạp hay Hải Nam), với mục tiêu là chiếm được các nguồn thương phẩm, các cảng thị ven biển để dự nhập sâu rộng vào các tuyến thương mại biển khu vực.

Sự phát triển của thương mại biển khu vực không chỉ tác động đến các chính thể ven bờ và các vương quốc biển, mà còn tác động sâu sắc tới các chính thể trọng nông của Đông Nam Á lục địa. Các chính thể trọng nông điển hình của khu vực, bao gồm cả Đại Việt, Angkor và Java đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc dự nhập vào các mạng lưới giao thương khu vực. Một cuộc cạnh tranh đã diễn ra trên bờ biển Đông giữa ba đại diện chính là Champa, Đại Việt và Angkor. Những áp lực từ việc mở rộng các vùng đất có thể canh tác và sự phát triển dân số, cùng với đó là tham vọng dấn thân vào các tuyến hải thương khu vực đã thúc đẩy cả Đại Việt và Angkor xâm chiếm các vùng lãnh thổ và đặc biệt là các thương cảng ven biển của Champa. Phản ứng trước những áp lực từ Đại Việt và Angkor, mandala Champa đã chủ động xây dựng những mạng lưới riêng của mình, cũng như là mở rộng các liên minh chính trị và kinh tế. Các nước láng giềng ở những vùng biển lân cận trở thành những thị trường tiềm năng, cũng như những đồng minh chính của Champa trong việc chống lại những áp lực lớn từ đất liền. Mối liên hệ bền chặt với các chính thể vùng hải đảo cũng là một hướng tích cực để Champa có thể dự nhập sâu sắc vào mạng lưới hải thương khu vực, nơi mà các thương nhân Arab đang nắm giữ vai trò chi phối.


[1] Bia ký Kaladi có niên đại 909 đã đề cập tới sự hiện diện của các cộng đồng ngoại quốc ở Chân Lạp bao gồm các thương nhân đến từ Kalingga (Kalinga), Singhalese, Dravidians, Campa (người Chăm), Kmir (người Khmer) và Rman (người Môn), xem: M. Barrett Jones, Early tenth century Java from the inscriptions. Dordrecht: Foris Publications, 1984, tr. 25; bên cạnh đó, bia ký Cane có niên đại 1021 cũng cho biết về hoạt động của các thương nhân đến từ Kling, Aryya, Singhala, Pandikira, Drawida, Campa, Remen và Kmir, dẫn theo: Geoff Wade, “An early age of commerce”, tlđd, tr.251.

[2] Đại Việt sử ký tiền biên, sđd, tr.426.

[3] Lương Ninh, Lịch sử vương quốc Champa,sđd, tr.102.

[4] Peter Burns, Roxanna M.Brown: Quan hệ ngoại giao Chàm-Philippinese thế kỷ XI, in trong: Đô thị cổ Hội An, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr.101-106.

[5] Allison I. Diem, “The significance of ceramic evidence for assessing contacts between Vijaya and other Southeast Asian Polities in the Fourteenth and Fifteenth centuries CE”, in trong: The Cham of Vietnam, sđd, tr.204-237.

[6] Geoff Wade, “On the Possible Cham Origin of Philippin Scripts”, Journal of Southeast Asian Studies, Vol.24, 1993, tr.44-87.

[7] Geoff Wade, “The ‘account of Champa’ in the Song Huiyao Jigao”, in trong: The Cham of Vietnam, sđd, tr.143-144. Một nghiên cứu khác đề cập về vấn đề này: Li Tana, “A View from the Sea”, tlđd.

[8] Paul K.Benedict, “A Cham colony on the Island of Hainan”, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol.6, No.2, 1941, tr.129-134.

4 thoughts on “KỶ NGUYÊN THƯƠNG MẠI SỚM Ở ĐÔNG NAM Á (900-1300 CE): NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP MANDALA CHAMPA – PART 3

  1. Hi, thank you so much for your papers. They are very interested and very useful for the colleagues in our Center (Hoi An Center for Cultural Heritage Management and Conservation). I am very highly appreciated if you could please send these files to my email because I can’t download these from your link. Once again, thank you very much!

    My email: thanhluongha@gmail.com

    Like

Leave a comment